Thứ Ba, 29 tháng 7, 2008

T.T.Thúy Nga Paris by Night kỷ niệm 25 năm họat động


Trung Tâm Thúy Nga hiện bận rộn để chuẩn bị cho đại nhạc hội kỷ niệm 25 năm hoạt động vào Tháng Chín 2008 này với hai buổi trình diễn trong hai ngày 20 và 21 Tháng Chín tại Ðại Hí Viện Long Beach, Nam California.

Trong một cuộc tiếp xúc hôm 21 Tháng Bảy, 2008 với ông Tô Văn Lai, chủ nhân sáng lập Trung Tâm Thúy Nga và nay là tổng giám đốc của trung tâm này tại trụ sở chính của Trung Tâm Thúy Nga, nằm trên đại lộ Bolsa, khu trung tâm Little Saigon, nơi có cộng đồng Việt Nam đông đảo nhất ở hải ngoại, ông cho biết là trung tâm đang bận rộn chuẩn bị cho chương trình này, đánh dấu một phần tư thế kỷ Trung Tâm Thúy Nga tái hoạt động ở hải ngoại, với những chương trình văn nghệ phong phú, đa dạng, đạt trình độ quốc tế.

Ông Lai cho biết trong chương trình đại nhạc hội kỷ niệm này, là ngoài phần nhắc lại các khoảng thời gian hoạt động, trưởng thành và phát triển của trung tâm, sẽ có nhiều “clip” được lấy lại từ các video, DVD tiêu biểu, hay thành công nhất của trung tâm, nhất là các DVD chủ đề, như Xuân Trong Kỷ Niệm; Chân Dung Người Phụ Nữ Việt Nam; Mẹ; Huế, Sài Gòn, Hà Nội... hay các DVD nhạc sử, nói về các nhạc sĩ nổi tiếng của làng nhạc Việt Nam, như Phạm Duy, Văn Phụng, Hoàng Thi Thơ, Châu Kỳ, Lam Phương, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Phạm Mạnh Cương, Thanh Sơn, Trường Sa, Nguyễn Ánh 9, Quốc Dũng, Tùng Giang...

Chương trình đại nhạc hội này, cũng nhắc lại các MC từng đóng góp vào các chương trình của trung tâm, như Ngọc Phu, Trần Văn Trạch, Việt Thảo, La Thoại tân, Elvis Phương, Trần Quốc Bảo, Kim Anh, Lê Văn, Ðỗ Văn, Jo Marcel... trong một vài cuốn, và cho đến nay là Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn Cao Kỳ Duyên, là lâu nhất, được 16 năm rồi.

Nhiều nam, nữ ca sĩ đã trở thành các ngôi sao của làng nhạc hải ngoại, nhờ trung tâm này, cũng sẽ được nhắc đến như Don Ho, Bảo Hân, Như Quỳnh, Dalena, Ái Vân, Hương Lan, Ngọc Hạ, Thủy Tiên, Hồ Lệ Thu, Ngọc Liên, Thế Sơn, Hương Thủy, Ninh Cát Loan Châu, Kim Anh, Trần Thái Hòa, Trường Vũ, Minh Tuyết, Hà Phương, Cẩm Ly, Mạnh Quỳnh, Bằng Kiều, Dương Triệu Vũ, Quang Lê, Thu Phương, Trần Thu Hà, Như Loan, Trịnh Lam, Hương Giang, Quỳnh Vy... và gần đây nhất là Quỳnh Anh, đến từ Bỉ...

Nhiều nam, nữ ca sĩ nổi tiếng ở trong nước, trong đó có Mỹ Linh, Ðàm Vĩnh Hưng, Hồng Nhung... từng công khai nói lên lòng ước mơ để được xuất hiện trên sân khấu của Trung Tâm Thúy Nga, nhưng cho đến nay họ vẫn chưa có cơ hội.

Nhiều ban nhạc, ca sĩ, vũ công... nổi tiếng của ngoại quốc cũng từng được mời đóng góp trong các chương trình đại nhạc hội của Trung Tâm Thúy Nga, như ban Boney M, Christophe, các vũ công của Cirque du Soleil...

Trong phần ca nhạc của đại nhạc hội kỷ niệm này, ông Tô Văn Lai cho biết đang còn chọn, sắp xếp dở dang, nên chưa thể tiết lộ, “nhưng chắc chắn sẽ là một chương trình hay, vĩ đại, để đời được...”.

Trung Tâm Thúy Nga được ông Tô Văn Lai, nguyên là một giáo sư Triết của nhiều trường công lập ở Mỹ Tho, Sài Gòn và Ðà Lạt, thành lập năm 1972 tại Sài Gòn, phát hành cuốn băng (cassette) đầu tiên là “Tiếng Hát Thái Thanh” trong đó giới thiệu bài hát Cỏ Hồng, sáng tác mới của Phạm Duy.

Trong khi Trung Tâm Thúy Nga đang phát triển một cách tốt đẹp, với các băng đĩa nhạc tiền chiến, tình ca quê hương, băng kịch hài hước... được ưa thích và bán rộng rãi trên toàn miền Nam Việt Nam, thì biến cố tang thương 30 Tháng Tư 1975 ập đến, các sinh hoạt văn nghệ, ca nhạc của miền Nam, nhạc vàng bị ra lệnh dẹp hết.

Ông Tô Văn Lai và gia đình bị kẹt lại một năm sau khi mất miền Nam và năm sau (1976) mới sang Pháp tị nạn được, và cố gắng dựng lại bảng hiệu tại thủ đô Paris trong điều kiện hết sức khó khăn về tài chánh và nhất là vì cộng đồng người Việt tị nạn khắp nơi còn phân tán rải rác, chưa ổn định về mặt kinh tế, nên càng chưa nghĩ gì đến giải trí, thưởng thức các chương trình ca nhạc.

Trung Tâm Thúy Nga đã có những bước thăm dò để hoạt động lại, qua việc quay một số vở tuồng cải lương, như Tuyệt Tình Ca, với Hùng Cường, Hương Lan, Phương Mai; Lương Sơn Bá Chúc Anh Dài và Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ... nhưng không được thành công mấy về mặt tài chánh.

Trước làn sóng ồ ạt và ảnh hưởng mạnh mẽ của phim bộ Hồng Kông làm say mê cộng đồng Việt Nam hải ngoại, T.T. Thúy Nga thực hiện cuốn video ca nhạc chủ đề đầu tiên có tên là Giã Biệt Sài Gòn, khi đem sang bán tại Hoa Kỳ, có đông đảo đồng hương Việt Nam tị nạn, đã bán rất chạy, nên T.T.Thúy Nga tiếp tục thực hiện tiếp một số video ca nhạc, với các chủ đề như Giọt Nước Mắt Cho Việt Nam, Mùa Xuân Nào Ta Về, Chúng Ta Ði Mang Theo Quê Hương, Cây Ða Bến Cũ... và đều thành công về mặt tình cảm (ai cũng rơi lệ, vì nhớ lại quê hương đất nước) và tài chánh...

Song song với các tác phẩm đầy ý nghĩa trên, T.T.Thúy Nga cũng bắt tay vào việc thực hiện một sản phẩm mới đầy tính nghệ thuật và giải trí, đó là sự ra đời của cái tên Paris By Night từ năm 1983, và tiếp tục hoạt động mạnh mẽ cho đến ngày nay, là tròn 25 năm, với các tác phẩm âm nhạc, nghệ thuật, luôn được các khán giả hải ngoại và ngay cả trong nước ủng hộ và ưa thích.

Tưởng cũng nên nhắc lại 2 DVD chủ đề mới nhất của T.T.Thúy Nga cùng được trong và ngoài nước yêu thích, đó là “Chân Dung Người Phụ Nữ Việt Nam” và “ Huế-Sài Gòn-Hà Nội”...

Lê Thụy